Nuôi chim để giải trí là thú vui của rất nhiều người, sáng sớm có một chú chim hót líu lo trong vườn sẽ khiến một ngày mới thêm tươi sáng. Những người yêu chim chóc không thể nào không biết đến chim chích chòe than, đây là loại chim cảnh khá phổ biến hiện nay. Người chơi muốn chim sống lâu và phát triển tốt phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng và phòng bệnh cho chim. Còn chần chừ gì nữa mà không tham khảo ngay một số bệnh thường gặp ở chim chích chòe than để kịp thời phòng tránh và điều trị.
Mục lục
Tìm hiểu về chim chích chòe than
Chích chòe than còn được gọi bằng các tên chim chìa vôi. Bởi vì chúng có đôi chân vừa cao, vừa nhỏ giống những cái chìa vôi của các bà ăn trầu. Sở hữu giọng hót hay nên được rất nhiều người chọn nuôi. Chim chích chòe than là loài chim thích thể hiện, cá tính. Đặc biệt loài chim này luôn luôn chọn những ngọn cây cao nhất để hót. Điều này được dân chơi chim đánh giá đây là loài chim hót siêng và dũng mãnh với dáng dấp tự tin, say mê hót. Giọng của loài chim này thì không thể lẫn đi đâu được.
Loài này đầu tiên xuất phát từ quần đảo Nam Dương. Sau đó rồi dần dần có mặt ở các nước ở vùng Đông Nam Á. Loài chích chòe này giờ có ở khắp nơi trên đất nước ta. Từ trong rừng thẳm núi cao đến vùng đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long… Nhiều người đặc biệt ưa thích là nuôi chích chòe than làm chim cảnh. Nhưng trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc hãy lưu ý những bệnh chim chích chòe than rất hay gặp phải sau đây.
Một số bệnh thường gặp ở chích chòe than
Bệnh tiêu chảy ở chích chòe than
Nguyên nhân: Do chim chích chòe than ăn quá nhiều thức ăn tươi, thức ăn bị hỏng, ôi thiu, thực phẩm để qua đêm đã bị lên men.
Điều trị: Ngưng không cho chích chòe than ăn thức ăn tươi, loại bỏ hết thức ăn bị ôi thiu, lên men. Tiến hành rửa sạch cóng đựng thức ăn và nước uống, vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ. Mua thuốc điều trị tiêu chảy cho chim tại các cửa hàng thuốc thú y, cho chim uống theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh đau mắt
Nguyên nhân: Do trong khẩu phần thức ăn của chim chích chòe thiếu vitamin A. Chuồng nuôi không được sạch sẽ lau dọn thường xuyên. Treo chim tại nơi có nhiều khói, thời tiết quá nóng.
Điều trị: Cho chim uống bổ sung vitamin A hoặc có thể sử dụng thuốc nhỏ của người dành cho chim một ngày nhỏ từ 1-2 lần, sau 4 ngày chim sẽ khỏi.
Bệnh kí sinh trùng
Nguyên nhân: Do môi trường sống của chim có xuất hiện những con rận chó, ve, bọ nhảy, muỗi từ các vật nuôi khác như chó, mèo khiến chim chích chòe bị nhiễm ký sinh trùng.
Điều trị: Để điều trị ký sinh trùng ở chim hiệu quả nhất chỉ cần ra cửa hàng thuốc thú ý mua chai xịt thuốc rận chó về xịt cho chim. Hãy nhớ xịt xung quanh toàn bộ lông không xịt vào mắt, mũi, miệng tránh thuốc làm ảnh hưởng đến chim. Hàng ngày pha nước muối loãng cho chim tắm, khi tắm xong nên lau sơ qua cho chim. Chùm kín lồng nuôi bằng lớp vải mỏng hoặc vải màn tránh chim chị muỗi đốt.
Bệnh hô hấp
Nguyên nhân: Do thời tiết chuyển giao mùa hoặc do miền Bắc thường sẽ có không khí lạnh của gió bấc khiến cho chim bị các bệnh về đường hô hấp như ho, chảy nước mũi. Khi mắc bệnh chim sẽ xù lông để chống lại cái lạnh, những con sức khỏe yếu sẽ thở khò rít khi thở, vươn cổ ra thở, ho, viêm kết mạc, chảy nước mắt, chảy nước mũi, đứng ủ rũ trên cầu.
Điều trị: Dùng 2 tép tỏi khô lột sạch vỏ giã thật nhuyễn cho vào cóng đựng nước dùng đũa khuấy đều, gạn sạch bã tỏi. Sau đó lấy nước cho chim uống hàng ngày cho chim uống từ 3-5 ngày chim sẽ khỏi.
– Tylosin: dùng liều 10mg/kg thể trọng, tiêm bắp thịt hoặc dùng liều 1g pha trong 1 lít nước cho uống liên tục 3-5 ngày.
– Tiamulin: dùng liều 15mg/kg thể trọng, tiêm bắp thịt hoặc dùng liều 2g pha trong 1 lít nước cho uống liên tục 3-5 ngày.
Ngoài ra thực hiện vệ sinh chuồng nuôi hàng ngày, cung cấp đầy đủ thức ăn cho chim. Những hôm thời tiết lạnh nên lấy tấm khăn che kín lồng tránh gió lùa. Muốn cho chim tắm nắng vào mùa lạnh nên chọn lúc nhiệt độ cao không còn giá lạnh. Treo chim những nơi không có gió lùa, có nhiều ánh sáng. Hạn chế tắm cho chim nếu cần thiết hãy tắm lúc nhiệt độ trong ngày đạt ngưỡng cao nhất.
Chim chích chòe than suy, không hay hót
Nguyên nhân: Do chưa được cung cấp thức ăn đầy đủ, kiệt sức, bị bệnh, ở nơi có nhiệt độ nóng bức, lâu ngày chưa tắm nắng, chăm sóc chưa chu đáo, thời tiết thay đổi, di chuyển từ nơi này sang nơi khác chim chưa kịp thích nghi,… Khiến chim sẽ thay lông, không hót hoặc nếu hót thời gian rất ngắn.
Điều trị: Thường xuyên cho chim tắm lắng, cho chim nghe các video luyện giọng hàng ngày. Phải cung cấp đầy đủ thức ăn, nhiệt độ nơi ở thoáng mát không khí trong lành.
Bệnh về chân ở chích chòe than
Nguyên nhân: Bị các vật nhọn sắc cứa vào chân hoặc bị côn trùng cắn rồi nhiễm trùng. Sau đó mưng mủ, sưng tấy, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến hoại thư xương.
Điều trị: Khử trùng chuồng, đồng thời kiểm tra loại bỏ các vật cứng nhọn trong lồng nuôi. Dùng dao nhọn lấy mủ ra, tiếp đó dùng nước muối sinh lý rửa sạch vết thương ở chân.
Viêm tuyến nhờn ở chim chích chòe than
Nguyên nhân: Do phần tuyến nhờn ở đuôi bị thương, nhiễm trùng hoặc do chim bị cảm nắng, cảm lạnh. Khi chim bị viêm tuyến nhờn biểu hiện thấy rõ nhất mệt mỏi. Lông vũ sơ xác, biếng ăn, tuyến nhờn sưng đỏ tấy, mưng mủ.
Điều trị: Dùng cồn sát trùng để khử trùng tuyến nhờn hết mưng mủ, sưng tấy. Đặt lồng chim vào nơi yên tĩnh, tránh nơi quá nóng hoặc quá lạnh. Phải cho chim ăn thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng.